Viêm buồng trứng là bệnh gì?
Viêm buồng trứng là căn bệnh phụ khoa ở nữ giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là chị em trong độ tuổi sinh sản. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm, sưng tấy đỏ, có thể nhiễm trùng ở một hoặc cả hai buồng trứng. Chuyên gia phân loại viêm buồng trứng ra thành 2 loại là cấp và mạn tính phụ thuộc vào thời gian cũng như triệu chứng của bệnh. Cụ thể như sau:
Viêm buồng trứng cấp tính
Bệnh xuất hiện đột ngột trong thời gian ngắn với các biểu hiện rầm rộ của cơ thể khi bị nhiễm trùng và viêm đau. Các triệu chứng của bệnh có thể kể đến như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau bụng, đặc biệt là vùng hố chậu. Trong đó, biểu hiện đau ở hố chậu và sốt cao có thể coi là dấu hiệu lâm sàng gợi ý mắc bệnh.
Viêm buồng trứng mạn tính
Thể bệnh mạn tính xuất phát từ việc các đợt cấp không được điều trị hoặc chữa không triệt để, khiến tình trạng tái đi tái lại nhiều lần. Mỗi đợt tái phát của bệnh sẽ kéo dài và khó điều trị hơn. Các dấu hiệu gợi ý bệnh đã chuyển qua giai đoạn mạn tính là:
-
Đau: Đau vùng hố chậu âm ỉ, dai dẳng, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn đau dữ dội của đợt cấp hoặc khi quan hệ tình dục.
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá dài hoặc quá ngắn, thời gian hành kinh dài, máu kinh quá nhiều hoặc quá ít. Đây được coi là dấu hiệu quan trọng của các bệnh lý liên quan đến buồng trứng bởi chu kỳ kinh nguyệt được điều khiển bởi 2 hormone estrogen và progesterone sản sinh từ cơ quan sinh sản này.
- Cơ thể suy nhược, ăn uống kém, sa sút tinh thần.
Vùng hố chậu bị đau là một trong các dấu hiệu viêm buồng trứng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm buồng trứng
Theo các chuyên gia, 3 tác nhân chính gây viêm buồng trứng thuộc các nhóm vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu,...), nấm và ký sinh trùng như amip đơn bào. Một số yếu tố dưới đây tạo điều kiện cho các tác nhân tấn công gây viêm buồng trứng:
- Vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là trong thời gian hành kinh.
- Sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc quan hệ tình dục không an toàn: Bao cao su, dầu bôi trơn, màng phim tránh thai,... có chất lượng thấp.
- Nạo phá thai, đặc biệt là thực hiện ở những cơ sở không uy tín.
- Bị các bệnh phụ khoa như: Nấm âm đạo, nhiễm trùng tử cung, viêm vòi trứng, viêm ống dẫn trứng. Thông thường, bệnh nhân không được điều trị đúng và triệt để ở ổ bệnh nguyên phát sẽ khiến chúng lây lan qua các khu vực lân cận trong vùng chậu.
- Môi trường làm việc dưới nước ô nhiễm.
- Các nhiễm trùng khác: Bị nhiễm giun, sán đi lạc, nhiễm trùng đường niệu, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu,...
- Lạc nội mạc tử cung khiến cho các mô nội mạc phát triển tại buồng trứng - đây là trường hợp đặc biệt bởi tác nhân gây bệnh là của chính bệnh nhân. Theo đó, mỗi chu kỳ kinh nguyệt, các mảng xuất huyết của nội mạc ngoài tử cung đó không được tống ra ngoài, gây hoại tử, viêm nhiễm buồng trứng.
Viêm buồng trứng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, nguy hiểm nhất là vô sinh.
Lạc nội mạc tử cung gây ra viêm buồng trứng
Viêm buồng trứng có thể gây vô sinh?
Viêm buồng trứng tuy không gây nguy hiểm trực tiếp tới tính mạng của người mắc nhưng những biến chứng của bệnh có thể rất khó lường. Đặc biệt là ảnh hưởng tới khả năng có con của bệnh nhân.
Viêm buồng trứng ảnh hưởng tới khả năng có con
Buồng trứng là nơi sản sinh trứng cũng như 2 hormone quan trọng là estrogen và progesteron. Nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài, tại cơ quan sinh sản này sẽ hình thành các sợi xơ dính, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trứng.
Đồng thời, do các hormone estrogen và progesteron không được bài tiết sẽ ảnh hưởng tới quá trình chín của trứng, quá trình phóng noãn - thụ tinh, quá trình trứng được thụ tinh làm tổ tại niêm mạc tử cung. Khả năng mang thai sẽ giảm đi rất nhiều nếu bị viêm một bên buồng trứng.
Nếu cả hai bên đều bị viêm nhiễm mà không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới vô sinh. Với các chị em có thai trong khi viêm buồng trứng vẫn chưa được điều trị dứt điểm thì tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sự phát triển của bé và an toàn cho mẹ.
Viêm buồng trứng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng có con
Những biến chứng nguy hiểm khác khi bị viêm buồng trứng
Có 3 biến chứng nguy hiểm khi bị viêm buồng trứng, bao gồm:
Viêm ống dẫn trứng: Tình trạng viêm khiến buồng trứng sưng to, gây phù nề, chèn ép sang ống dẫn trứng. Điều này ngăn cản sự thụ tinh và quá trình trứng di chuyển vào tử cung làm tổ. Một mặt có thể gây giảm khả năng có con, mặt khác làm tăng nguy cơ có con ngoài tử cung vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, các vùng phụ khác trong hố chậu cũng có thể bị lây lan mầm bệnh, gây viêm nhiễm thứ cấp.
Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên nhân do rối loạn nội tiết tố khi buồng trứng bị sưng viêm không bài xuất lượng hormone nội tiết theo nhu cầu. Hormone này cũng có tác dụng duy trì sự trẻ trung, da căng, tóc chắc khỏe và điều hoà chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Chu kỳ kinh nguyệt nếu không được điều hoà ngoài ảnh hưởng tới thể chất và tâm lý chị em cũng sẽ gây khó khăn cho việc mang thai.
Mang thai ngoài tử cung: Viêm nhiễm khiến buồng trứng sưng to, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng di chuyển của trứng tới làm tổ ở tử cung, gây mang thai ngoài tử cung. Việc này vô cùng nguy hiểm cho mẹ bởi thai nhi phát triển không đúng vị trí có thể gây sảy thai, vỡ thai bất cứ khi nào do áp lực của thai tạo ra là rất lớn.
Ngoài ra, viêm buồng trứng cũng sẽ gây khó khăn khi quan hệ vợ chồng bởi tình trạng suy giảm nội tiết tố nữ khiến vùng kín khô khan, đau rát nếu bị viêm mạn tính. Buồng trứng bị kích thích khi làm “chuyện ấy” sẽ làm tăng đau đớn vùng chậu nó đang bị viêm, sưng tấy đỏ.
Viêm buồng trứng gây rối loạn kinh nguyệt
Viêm buồng trứng được điều trị như nào?
Viêm buồng trứng cần được điều trị kịp thời ngay từ giai đoạn cấp tính. Dưới đây là những cách điều trị thường được áp dụng:
Điều trị viêm buồng trứng bằng thuốc
Trước tiên, cần tiến hành xác định tác nhân gây bệnh bằng cách trích mủ, xem là do vi khuẩn, nấm, hay ký sinh trùng. Việc xác định đúng tác nhân gây bệnh quyết định rất lớn tới phác đồ điều trị cũng như khả năng thành công.
Người mắc bệnh mạn tính thì phải nội soi ổ bụng, bác sĩ sẽ thấy được tình trạng của buồng trứng: Sưng to hoặc có màng bao bên ngoài, ống dẫn trứng bị dính vào buồng trứng, xuất hiện mủ xanh.
Để giảm đau, người bệnh có thể được kê ibuprofen, paracetamol. Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Có thể phối hợp 2 thuốc trên để giảm liều tối đa từng thuốc, tăng khả năng chống viêm của paracetamol.
Với các tác nhân là vi khuẩn, bác sĩ sẽ phối hợp phác đồ kháng sinh phổ rộng trong điều trị. Có thể điều trị bằng đường uống và cả đường đặt. Với tác nhân gây bệnh là nấm sẽ đặt các thuốc trị nấm như clotrimazole, ketoconazole. Tuy nhiên, trường hợp này rất khó điều trị bởi buồng trứng nằm sâu bên trong và thuốc trị nấm tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn.
Với nguyên nhân là do ký sinh trùng có thể điều trị bằng mebendazole kết hợp với kháng sinh để phòng trường hợp nhiễm khuẩn. Điều trị bằng thuốc sẽ rất khó khăn và cần sự phối hợp kiên trì của bệnh nhân.
Điều trị viêm buồng trứng bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Điều trị viêm buồng trứng bằng phẫu thuật
Với các bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc, buồng trứng có chuyển biến xấu hơn như hoại tử, viêm nhiễm lan rộng thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt mảng xơ dính, vùng mủ.
Ngày nay phương pháp phẫu thuật được sử dụng có thể thông qua nội soi hoặc đốt laser, đốt bằng sóng cao tần năng lượng lớn. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định thuốc giảm đau và kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn tái phát.
Phẫu thuật điều trị viêm buồng trứng
Kết hợp sử dụng thảo dược cải thiện viêm buồng trứng, tăng khả năng có thai
Các thảo dược từ lâu đã được biến đến với công dụng là kháng sinh tự nhiên giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm khuẩn. Một trong số đó phải kể tới keo ong - có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên, kích thích hệ thống miễn dịch sinh kháng thể. Các nhà khoa học Nga còn nhận thấy gốc chống oxy hoá trong keo ong có thể ngăn ngừa ung thư, bảo vệ tế bào khỏi tác nhân oxy hóa.
Bên cạnh đó, từ lâu, hoàng bá cũng được biết đến là dược liệu có tính chống viêm, kháng khuẩn mạnh mẽ. Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, hoàng bá có thể kháng sự phát triển của các vi khuẩn gram âm, gram dương, trực khuẩn lao, virus, nấm. Do vậy, hoàng bá sẽ là lựa chọn không thể thiếu trong điều trị viêm buồng trứng bằng thảo dược.
Ngoài ra, việc bổ sung các dược liệu như bạch tật lê và nhân sâm sẽ giúp điều hoà nội tiết trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng, chống suy sụp, mệt mỏi. Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Bulgaria cho thấy những cặp vợ chồng được chẩn đoán có kháng thể kháng tinh trùng sẽ tăng cơ hội thụ thai lên 61% sau khi sử dụng bạch tật lê trong 6 tháng.
Các thảo dược này rất lành tính, có thể sử dụng lâu dài trong điều trị bệnh và dự phòng tái phát. Điểm lưu ý duy nhất là chúng có tính bổ nên thông thường không dùng buổi tối dễ gây mất ngủ cho người dùng.
Dược liệu điều trị viêm buồng trứng thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian
Cách phòng ngừa bệnh viêm buồng trứng
Ngày càng nhiều chị em trong độ tuổi sinh nở tìm tới sự giúp đỡ của các chuyên gia y tế để nhận sự hỗ trợ điều trị viêm buồng trứng. Tuy nhiên, việc điều trị khó khăn ảnh hưởng lớn tới thể chất và tinh thần bệnh nhân. Do vậy, phòng ngừa bệnh có ý nghĩa quan trọng đối với sức khoẻ sinh sản của nữ giới. Dưới đây là các biện pháp cụ thể:
- Tránh thai an toàn bằng bao cao su đạt chuẩn hoặc thuốc tránh thai hàng ngày.
- Nói không với nạo phá thai: Nguy cơ nhiễm khuẩn sau nạo phá thai là rất lớn, đặc biệt khi thực hiện tại các phòng khám không uy tín.
- Duy trì sức khỏe thông qua tập luyện thể dục thể thao. Thói quen tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và 3-5 buổi/tuần sẽ giúp chị em có sức khoẻ tốt, tăng đề kháng với các tác nhân gây bệnh và đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Đây là chìa khóa vàng cho mọi người, mọi lứa tuổi để ngăn ngừa rất nhiều bệnh nguy hiểm không chỉ riêng viêm buồng trứng.
- Không quan hệ tình dục sớm. Việc quan hệ sớm với sự thiếu hiểu biết có thể khiến bản thân gặp nhiều vấn đề, gây viêm nhiễm phụ khoa nghiêm trọng.
- Thói quen ăn uống lành mạnh, cân bằng. Hạn chế ăn nhiều chất béo, thay vào đó hãy bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, tránh đồ uống có ga, rượu, bia, cafe,...
- Cần vệ sinh cá nhân: Đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hành kinh và sau quan hệ, chị em cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Không mặc đồ lót ẩm ướt do có nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Khám phụ khoa định kỳ: Phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm các biến chứng nguy hiểm. Do vậy khuyến khích các chị em 6 tháng kiểm tra phụ khoa/lần.
- Không thụt rửa vào bên trong âm đạo bởi có thể gây viêm nhiễm vi khuẩn, nấm, mất cân bằng pH trong âm đạo.
- Tiêm vacxin ngừa HPV.
Nói không với nạo phá thai giúp phòng ngừa viêm buồng trứng
Viêm buồng trứng tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân nhưng tiềm ẩn khả năng gây vô sinh, mang thai ngoài tử cung. Do vậy các chị em cần hết sức lưu ý phòng ngừa và điều trị bệnh dứt điểm từ giai đoạn cấp tính. Mọi thắc mắc liên quan đến bệnh, vui lòng để lại số điện thoại hoặc câu hỏi dưới phần bình luận, các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp ngay.
Tài liệu tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9129-pelvic-inflammatory-disease-pid?fbclid=IwAR2GSeB5P0vl5RQxn2bz7rxBGNv-sKYWQLgf7kGSHMbvBNLgCDOs4B4KPls
- https://sti.bmj.com/content/76/2/80?fbclid=IwAR0lYAUVT671dfbLAHwFkTiq7qhSw84UtGrZ0hRdNjUH9ZPL2_olmvf18Nc
- https://www.cdc.gov/std/treatment-guidelines/pid.htm?fbclid=IwAR0STY389UZvQHbFCztg0vo1_IjTFROvB370D1YQThf-RWC2VAZrX24io1I